Việc tưởng nhớ các bậc tiền nhân là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam giúp cho thế hệ mai sau, đặc biệt là các thế hệ thầy thuốc trẻ luôn biết kính trọng, biết ơn và phát huy những tinh hoa y học cũng như tấm gương về Y đức mà các vị tiền nhân đã để lại.
Thân thế sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là một Thầy thuốc của Nước ta, được nhân dân và giới y học tôn vinh là Nhà Tư Tưởng, Nhà Văn Hóa Lớn và Đại Danh Y.
Ngài sinh vào thời Hậu Lê, niên hiệu Bảo Thái thứ năm, ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724) giờ Dần, mất về thời Tây Sơn, niên hiệu Quang Trung thứ tư (1791), năm Tân Hợi ngày Rằm tháng Giêng.
Đại danh y Lê Hữu Trác xuất thân trong gia đình nho giáo, có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn), đây cũng là giai đoạn mà ông có duyên nghiệp với nghề Y, hành nghề bốc thuốc và trở thành Đại danh Y của nước ta.
Ông đã đúc kết hàng nghìn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng. Trong quá trình nghiên cứu, chữa bệnh, giảng dạy ,ông đã hoàn thành bộ Y Tông Tâm Lĩnh, bộ sách Đông y lớn nhất và quí nhất ở nước ta: gồm 63 cuốn (nay chỉ còn 55 cuốn) do Vũ Xuân Hiên thu thập lại và đem in năm 1866. Bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển, 2854 bài thuốc. Thân thế và sự nghiệp của Lãn Ông đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với giới Đông y Việt Nam cả về mặt đạo đức và chuyên môn.
Ông là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, là hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực, chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Chín điều “Y huấn cách ngôn” trở thành khuôn phép, nguyên tắc trong hành nghề y dược, là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.
Ngoài y dược, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Unesco vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Ngày 21/11/2023, tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 42, UNESCO đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Việc Tổ chức UNESCO vinh danh Đại Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân Đại Danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn "sống vì mọi người" và tinh thần "học tập suốt đời".
Lê Hữu Trác đã vươn tới đỉnh cao của nền y, dược học cổ truyền, để lại tấm gương sáng về tài năng, đức độ của người thầy thuốc và một di sản vô giá về y học. Ở Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, có thể thấy trong lĩnh vực hoạt động nào, ông cũng đều toát lên một nhân cách, trí tuệ và tâm hồn lớn. Ông là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần lao động, học tập và sáng tạo, sống hết mình vì dân, vì người, vì nghĩa cả. Lê Hữu Trác thực sự mang tầm vóc quốc tế, đủ sức lãnh sứ mệnh nêu gương và truyền cảm hứng cho nhân loại, xứng đáng là một nhân vật lỗi lạc, toàn diện, sánh ngang với nhiều danh nhân trên thế giới.
Như vậy, với việc UNESCO ra nghị quyết lần này, Việt Nam đã có 7 danh nhân được UNESCO vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm là Nguyễn Du (năm 1965, 2015), Nguyễn Trãi (năm 1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), Chu Văn An (năm 2019), Hồ Xuân Hương (năm 2021), Nguyễn Đình Chiểu (năm 2021) và Lê Hữu Trác (năm 2023).