Cách chế biến cứu ngải
Đến nay, nhiều người vẫn cho rằng cứu ngải chỉ có vai trò hỗ trợ cho tác dụng của châm cứu. Thực ra, đây là một phương pháp trị liệu riêng biệt với những giá trị phòng và điều trị bệnh tật hết sức độc đáo.
Cứu là phương pháp dùng ngải hơ, đốt các huyệt để trị bệnh. Ngải cứu được làm từ lá cây ngải cứu có tên đông y là ngải diệp.
Theo đông y, ngải diệp có vị cay, đắng, dùng sống có tính ấm, dùng chín có tính nóng, tính thuần dương, có tác dụng thông 12 kinh, điều lý khí huyết, trục hàn thấp, làm ấm tử cung, chỉ huyết, ôn trung khai uất, điều kinh an thai…
Trong các thư tịch đông y xưa nay cũng ghi nhận việc dùng ngải để cứu có thể "thấu chư kinh nhi trị bách bệnh" tức là đi sâu vào các kinh lạc mà trị được các bệnh.
Ngải dùng để cứu là loại lá đã để lâu, vò ra, loại bỏ phần xương lá, chỉ lấy phần thịt lá lúc này đã được vò tơi như nhung, gọi là "thục ngải".
Ngải cứu ngoài cách làm thành điếu dài rồi kết hợp với châm kim mà chúng ta thường thấy còn có thể làm thành mồi, hoặc điếu ngắn gắn vào thân kim. Những cách dùng kết hợp với kim châm này được gọi chung là ôn châm, vừa đạt được tác dụng của châm, vừa có được hiệu quả của cứu.
Ngoài ra, lá ngải sau khi đã vò ra còn có thể làm thành mồi nhỏ như hạt đậu hoặc dạng hình nón rồi đặt trên vị trí huyệt vị cần tác động. Cũng có thể để cách ngải cứu và da một lớp muối, một lát tỏi mỏng hoặc một lát gừng mỏng gọi là cứu cách muối, cứu cách tỏi và cứu cách gừng.
Mỗi một cách cứu kể trên ngoài tác dụng chung của ngải cứu còn có tác dụng hiệp đồng với các loại dược liệu khác, tăng cường tác dụng trị liệu của cứu ngải.
Các tác dụng đặc biệt của cứu ngải
Khu hàn trục thấp, tiêu ứ tán kết
Hàn, thấp khi thái quá là những loại tà khí gây hại cho cơ thể. Hàn tà là tà khí do hơi lạnh sinh ra, thấp tà là tà khí do hơi ẩm tạo thành.
Với tác dụng dược lý của mình kết hợp với hơi nóng sinh ra từ việc cứu, ngải cứu có thể mau chóng làm thông khí kết, tiêu tán huyết ứ, trợ giúp khư trừ thấp khí và hàn khí nội sinh và ngoại lai.
Ôn kinh thông lạc, hành khí hoạt huyết
Muốn cơ thể khỏe mạnh thì khí huyết cần phải lưu thông, kinh lạc phải được thông suốt.
Theo lý luận đông y, khí huyết khi gặp lạnh sẽ đình trệ, khi gặp ấm sẽ lưu hành. Cứu ngải có thể giúp hơi ấm thẩm thấu vào sâu trong cơ thể, đi qua lớp bì phu, vào đến cơ nhục, cân cốt, đi đến các kinh lạc, làm ôn ấm khí huyết, giúp khí huyết vận hành lưu sướng, hỗ trợ các quá trình vận động sinh lý chính thường của cơ thể.
Ôn trung bổ khí, nâng cao sức khỏe
Ngải cứu như đã nói ở trên có tác dụng trừ tà khí hàn thấp, thúc đẩy khí huyết lưu thông, từ đó hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh tật, bên cạnh đó việc cứu ngải còn có tác dụng nâng cao sức khỏe, có hiệu quả tốt trong việc dưỡng sinh.
Cơ thể người cần hơi ấm trong các hoạt động sinh lý thông thường, từ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa đến bài tiết… Cứu ngải có thể giúp làm ấm Thận, kiện Tỳ, qua đó giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nâng cao khả năng miễn dịch và đề kháng của cơ thể.