Công ty cổ phần Khánh Phong Việt Namhttps://khanhphong.com/uploads/logokhanhphong.png
Thứ hai - 27/11/2023 23:47
BS Nguyễn Văn Hưởng nguyên bộ trưởng y tế vào những năm 1970 đã đặt nền móng xây dựng phương pháp dưỡng sinh. Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng được Bộ y tế cho phép giảng ở các trường đại học, trung học y tế, và đang được nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhân dân tiếp tục nghiên cứu và phát triển.
Quá trình bệnh tật và chống bệnh tật của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng
BS Nguyễn-Văn Hưởng sanh năm 1906, bị tai biến mạch máu não vào năm 64 tuổi, đang lúc là bộ trưởng bộ y tế; ông đã bị á khẩu, liệt nửa người. Phối hợp với thuốc, bác sĩ đã tự luyện tập để phục hồi, và xây dựng phương pháp dưỡng sinh; năm 1986 ông được phong Anh hùng lao động. Năm 1995 đã tái bản sách phương pháp dưỡng sinh lần thứ 8. Tháng 9 năm 1996 được trao giải thưởng Hồ chí Minh cao quí. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng mất ngày 06 tháng 8 năm 1998.
Bác sĩ đã để lại cho hậu thế một phương pháp dưỡng sinh được nhiều nhà nghiên cứu coi là hoàn chỉnh; Phương pháp đã đề cập từ vấn đề tập luyện để khí huyết lưu thông, đến cách ăn uống cho hợp lý, đến thái độ tâm thần trong cuộc sống, đến vệ sinh, nghỉ ngơi … thể hiện được sự kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn y học cổ truyền và y học hiện đại; đã kế thừa những tinh hoa phương pháp tập luyện của nước bạn, của người xưa, đồng thời kết hợp với những kiến thức y học hiện đại; xây dựng thành công một phương pháp dưỡng sinh mang tính khoa học, dân tộc và đại chúng.
Mục đích và ý nghĩa của phương pháp dưỡng sinh
Phương pháp dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập gồm có 4 mục đích:
Bồi dưỡng sức khỏe.
Phòng bệnh.
Từng bước chữa bệnh mạn tính.
Tiến tới sống lâu và sống có ích.
Bốn mục đích này quan hệ hữu cơ với nhau.
Sức khỏe được tăng lên thì phòng bệnh tốt hơn.
Ít bị thêm bệnh nữa, mà sức lại tăng lên, đồng thời có phối hợp với thuốc khi cần thiết thì bệnh mạn tính từng bước sẽ được đẩy lùi;
Mỗi ngày tập luyện, ăn ngon, thở tốt, ngủ say, thích lao động, thì sức khỏe ngày càng tăng. Từ đó có nhiều khả năng sống lâu, sống có ích hơn.
Cơ chế tác động của phương pháp dưỡng sinh đối với cơ thể
* Giới thiệu sơ đồ ba góc
– Góc trên của hình tam giác là bộ phận thần kinh kèm theo ngũ quan là bộ phận chỉ huy toàn bộ cơ thể.
– Góc trái của tam giác là các bộ phận đảm bảo cái khí trong cơ thể, nghĩa là khí hơi (thở) và khí lực tạo ra năng lượng trong cơ thể (nhiệt năng, cơ năng, điện năng, hóa năng…).
– Góc phải của tam giác là các bộ phận sinh ra huyết và các chất nuôi dưỡng cơ thể.
* Cơ chế tác động của PPDS đến các bộ phận của cơ thể
– Hệ Thần kinh:
+ Hệ thần kinh hoạt động được là nhờ hai quá trình ức chế và hưng phấn.
+ Luyện tập thư giãn kết hợp luyện thở là phương pháp luyện tập chủ động được quá trình hưng phấn và ức chế. Luyện thư giãn là phép luyện ức chế bằng cách làm giãn, làm mềm, buông lỏng các cơ vân và cơ trơn làm bớt căng thẳng bộ thần kinh. Luyện thở bốn thì là luyện quá trình hoạt động thần kinh hưng phần và ức chế, luyện sự linh hoạt thay đổi giữa hai quá trình ấy, trong đó thì thở và thì giữ hơi là rất quan trọng vì nó chỉnh luyện ý chí làm chủ hơi thở.
+ Khi luyện tập tốt sẽ giúp cho vỏ não chủ động nghỉ ngơi, làm cho tinh thần thoải mái không căng thẳng, không để những xung kích bên ngoài tác động vào cơ thể, làm giấc ngủ tốt hơn, dạ dày tiết dịch vị tốt làm ăn ngon miệng hơn và xóa dần những phản xạ có hại cho cơ thể.
– Hệ hô hấp: Làm nhiệm vụ hít không khí vào và thở thán khí ra.
+ Thở bốn thì có hai thì dương và hai thì âm, trong đó thì 1 và thì 2 các cơ hô hấp phải co thắt tối đa để hít vào, thì 3 và thì 4 các cơ hô hấp giãn ra. Đối với hô hấp thì người tập thở sâu hiệu số giãn ngực và dung tích sống lớn hơn người không luyện tập; Đối với chức năng trao đổi khí thì càng thở sâu, chức năng trao đổi khí càng hoàn chỉnh, kết quả nghiên cứu cho thấy Sp02 máu tăng.
+ Như vậy, hít vào ngực nở bụng căng để lấy được nhiều thanh khí bên ngoài vào, thở ra không kìm không thúc để đuổi hết thán khí trong phổi ra. Vì thế phổi thải thán khí và các chất độc ở thể hơi, nên luyện thở là điều rất quan trọng đảm bảo cho phổi có “thừa sức” hút ôxy và thải thán khí và các chất độc khác; luyện thở tốt để phát triển khả năng của phổi, của dung tích sống đến mức tối đa, để tăng sức sống và sức thải độc.
– Hệ tuần hoàn: Nó nhận chất dinh dưỡng từ bộ máy tiêu hóa và chất oxy từ bộ máy hô hấp và vận tải hai chất ấy đi đến mỗi tế bào của cơ thể không sót một tế bào nào.
+ Khi ta thư giãn được tốt thì làm chủ được tinh thần, buồn, vui, đỡ ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp. Khi thư giãn làm mềm buông lỏng các cơ vân và cơ trơn, nếu cơ trơn được giãn nhất là cơ trơn mạch máu, thì các cơ trơn không bị co thắt mà giãn ra, máu lưu thông được tốt hơn, giúp máu về tim dễ hơn và nhiều hơn.
+ Còn trong thở bốn thì ở lúc hít vào tối đa, cơ hoành co và hệ thống cơ bụng, cơ hông và cơ đáy chậu đều co, tạng phủ bị ép tứ phía cũng như bị xoa bóp rất mạnh, máu trong tạng phủ phải chảy vào tĩnh mạch để về tim. Cơ hoành co bóp càng mạnh thì cơ bụng, hông và đáy chậu phản ứng càng mạnh, máu càng đi về tim càng mau. Do đó, hệ thống cơ hoành và cơ bụng, hông và đáy chậu như là quả tim thứ nhì bổ sung cho quả tim trên ngực.
+ Luyện động trong đó tự xoa bóp là nó vận động không bỏ sót một nơi nào giúp vận chuyển khí huyết đi khắp cơ thể. Kết hợp tập vận động chi trên chi dưới và toàn thân làm tăng cường lưu thông khí huyết, tăng khả năng hô hấp.
Như vậy phương pháp luyện tập giúp tăng cường lưu thông khí huyết làm máu về tim tốt hơn và vận chuyển máu đến các cơ quan trong cơ thể được tốt hơn.
– Hệ bài tiết: Để thải các chất cặn bã không dùng được. Nếu không thải tốt, các chất cặn bã sẽ ứ đọng lại trong cơ thể, như phổi để thải thán khí, thận thải các chất qua nước tiểu, tuyến mồ hôi, gan, mật thải chất độc được tốt hơn…
Các động tác dưỡng sinh cơ bản
1. Động tác thư giãn
TƯ THẾ: Nằm che mắt, nơi yên tĩnh
Bước 1: Ưc chế ngũ quan
Bước 2: Tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Toàn thân nặng xuống ấm lên.
Bước 3: Theo dõi hơi thở 10 lần, thở thật êm, nhẹ, đều, nông.
TÁC DỤNG: - Luyện quá trình ức chế của hệ thần kinh, luyện nghỉ ngơi chủ động.
CHỈ ĐỊNH: Trạng thái căng thẳng thần kinh, cơ bắp; Các hội chứng tâm thể; Mất ngủ; Các bệnh ngoại cảm, nội thương cần nghỉ ngơi.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH: - Hôn mê, rối loạn ý thức.
2. Động tác thở 4 thời có kê mông và giơ chân
TƯ THẾ: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.
Thời 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng (3”- 6”); (Hít ngực bụng nở).
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 cái, rồi hạ chân. (3”-6”); (Giữ hơi hít thêm).
Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc. (3”-6”) (Thở không kềm thúc)
Thời 4: Thư giãn chân tay mềm giãn. (3”-6”); (Nghỉ nặng ấm thân) chuẩn bị trở lại thời một, hít vào.
TÁC DỤNG: Luyện tổng hợp hô hấp, tuần hoàn và thần kinh; chủ yếu là luyện sự cân bằng hai quá trình hưng phấn và ức chế.
CHỈ ĐỊNH: Căng thẳng TK, Hội chứng tâm thể; Các chứng ứ trệ ở tạng phủ.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH: Bệnh bệnh tâm thần nặng, bệnh cấp cứu.
3. Động tác xem xa, xem gần
TƯ THẾ:
Ngồi hoa sen, hai bàn tay đan vào nhau và để trước bụng dưới, mắt nhìn vào ngón tay.
Đưa hai tay lên trời mắt vẫn nhìn vào một điểm cố định của bàn tay, đồng thời hít vào tối đa; giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời giao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, hạ tay xuống trước bụng, mắt vẫn nhìn theo tay; nghỉ. Làm như vậy 1-3 lần.
TÁC DỤNG: Luyện mắt và các khớp chi trên, tập vùng lưng trên.
CHỈ ĐỊNH: Yếu liệt chi trên, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH: Bong gân, sai khớp, viêm khớp giai đoạn cấp./.
(Theo TS.BS. Nguyễn Thị Bích Hồng – Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh (bệnh viện châm cứu Trung Ương)
Và BSCKII Huỳnh Tấn Vũ - Đại học Y dược TP HCM)