Công ty cổ phần Khánh Phong Việt Namhttps://khanhphong.com/uploads/logokhanhphong.png
Thứ ba - 23/01/2024 03:33
Đông y đã vận dụng cụ thể cơ sở lý luận của học thuyết âm dương, ngũ hành, kinh lạc, tạng tượng phân loại các loại thể chất khác nhau nhằm chẩn đoán 1 cách chính xác nhất và đưa ra hướng điều trị cho từng loại thể chất khác nhau. Không phân biệt được thể chất không thể đưa ra hướng điều trị chính xác được.
1. Thể chất Bình Hòa (khỏe mạnh)
* Đặc trưng tổng thể : Âm dương khí huyết điều hòa, thể trạng vừa phải, sắc mặt hồng nhuận, sức khỏe dồi dào.
* Đặc trưng hình thể : thể hình cân đối, cường tráng.
* Biểu hiện thường thấy : Sắc mặt, sắc da nhuận sáng, tóc dày có độ sáng bóng, mắt có thần, sắc mũi sáng nhuận, khứu giác thông lợi, môi sắc hồng nhuận, không dễ mệt mỏi, thể lực dồi dào, chịu được nóng lạnh, ngủ ngon, ăn uống tốt, nhị tiện bình thường, chất lưỡi hồng nhạt.
* Đặc trưng tâm lý : Tính cách hiền hòa, rộng rãi.
* Khuynh hướng phát bệnh : Cơ thể tố chất bình hòa ít bệnh.
* Giải pháp dưỡng sinh: lấy dưỡng, điều hòa làm chủ, duy trì vận hành khí huyết, duy trì chức năng tạng phủ. Kết hợp ăn uống ngủ nghỉ điều độ, duy trì vận động cơ thể.
2. Thể chất khí hư (hơi thở yếu)
* Đặc trưng tổng thể : Nguyên khí bất túc, dễ mệt mỏi, hụt hơi, hơi thở nông, ngắn, leo cầu thang thở dốc, giọng nói nhỏ, yếu không có lực, dễ ốm vặt, tay chân yếu vô lực, người dễ mệt mỏi nên ngại vận động, thích ngồi, nằm.
* Đặc trưng hình thể : Cơ nhục trùng nhão, không chắc, sắc mặt tái nhợt
* Biểu hiện thường thấy : tiếng nói thường ngày hơi yếu, khí đoản, ngại nói, dễ mệt mỏi, tinh thần không phấn chấn, dễ ra mồ hôi, chất lưỡi hồng nhạt, viền lưỡi có hằn răng, mạch yếu
* Đặc trưng tâm lý : Tính cách hướng nội, không thích mạo hiểm.
* Khuynh hướng phát bệnh : Dễ mắc cảm mạo, sa nội tạng, sau khi mắc bệnh hồi phục chậm, lão hóa nhanh.
* Năng lực thích ứng vơi ngoại cảnh : Không chịu được Phong, Hàn,Thấp, Tà.
* Giải pháp dưỡng sinh: lấy bổ làm chủ, chú trọng việc ích khí kiện tỳ, chú ý các bệnh về dạ dày. Nên tham gia các bài tập hít thở sâu.
Bình thường nên ăn các loại thực phẩm có lợi cho khí và lá lách, ví dụ như đậu nành, đậu trắng, thịt gà, nấm hương, táo tàu, nhãn, mật ong, hoàng kỳ, bách hợp, củ cải trắng… Hạn chế ăn các loại thực phẩm có tác dụng hao tổn khí huyết như rau muống, cà rốt sống…
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nên có thiết lập thời gian biểu rõ ràng, nghỉ ngơi sinh hoạt đúng thời gian và theo mùa, bảo đảm ngủ đủ giấc.
Chú ý giữ ấm, tránh lao động và tập thể dục nhiều dẫn tới đổ mồ hôi nhiều dễ gây đột quỵ. Không nên làm việc quá sức, để tránh tổn thương khí huyết. Tập luyện nhẹ nhàng vừa đủ, không nên tập luyện các bài thể dục mạnh.
3. Thể chất Dương hư (tạng lạnh, sợ lạnh).
* Đặc trưng tổng thể: Dương khí bất túc, sợ lạnh, chân tay không ấm là đặc trưng cơ bản.
* Đặc trưng hình thể: Cơ nhục nhão, không chắc.
* Biểu hiện thường thấy: hàng ngày sợ lạnh, chân tay không ấm, thích ăn đồ nóng, tinh thần không phấn chấn, chất lưỡi nhạt bệu.
* Đặc trưng tâm lý: Tính cách trầm tĩnh hướng nội.
* Khuynh hướng phát bệnh: dễ mắc đàm ẩm, bụng chướng, đi lỏng, cảm tà dễ dẫn đến hàn hóa.
* Năng lực thích ứng ngoại giới : chịu được mùa hạ không chịu được mùa đông, dễ cảm phong, hàn, thấp.
* Giải pháp dưỡng sinh: Ôn dương bổ khí, phòng các bệnh như tiêu chảy, liệt dương…Chú trọng chăm sóc tỳ, phế, thận.
Ăn các loại thực phẩm bổ dương như thịt bò, thịt dê, tỏi tây, gừng, hành… Hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ sinh lạnh như quả lê, dưa hấu, củ mã thầy, nên uống ít trà xanh.
Cuộc sống hằng ngày nên chú ý giữ ấm, đặc biệt là vùng lưng và phần huyệt đan điền ở bụng dưới, tránh ở trong phòng điều hòa quá lâu, tránh để ra nhiều mồ hôi, nên chú ý ra ngoài vận động dưới ánh mặt trời thường xuyên hơn.
4.Thể chất Âm hư (tạng nóng, thiếu nước).
* Đặc trưng tổng thể : Âm dịch suy hư, miệng khô, hầu khô, nhiệt, lòng bàn tay bàn chân nóng là đặc trưng chủ yếu biểu hiện của âm hư.
* Đặc trưng hình thể : hình thể thiên hơi gầy
* Biểu hiện thường thấy : lòng bàn chân bàn tay nóng, miệng khô họng khô, thích ăn đồ mát, đại tiện khô táo, chất lưỡi đỏ ít tân dịch, khô âm đạo
* Đặc trưng tâm lý : Tính cách nóng nẩy, hướng ngoại năng động, hoạt bát
* Khuynh hướng phát bệnh : dễ mắc hư hỏa, thất tinh, mất ngủ, cảm tà dễ theo đó hóa nhiệt.
* Năng lực thích ứng ngoại cảnh : chịu được đông không chịu được mùa hạ, không chịu được nóng, nhiệt, khô, tà.
* Giải pháp dưỡng sinh: Chú ý bổ sung các yếu tố sinh âm, chăm sóc tỳ, phế, thận, và phòng tránh các bệnh về hô hấp.
Chú ý ăn thực phẩm dễ sinh âm, ăn nhiều các loại thực phẩm ngọt mát tăng độ ẩm như thịt lợn, trứng vịt, đậu xanh, bí đao… nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính ôn khô như thịt dê, tỏi tây, ớt, hạt hướng dương.
Cuộc sống hàng ngày nên tránh thức khuya, tránh làm việc ở môi trường nhiệt độ cao. Không nên vận động quá nhiều, khi luyện tập nên hạn chế chú ý để không bị đổ mồ hôi, kịp thời bổ sung đủ nước, không nên tắm hơi.
5. Thể chất Đàm thấp (dễ béo).
* Đặc trưng tổng thể : Đàm thấp ngưng tụ, lấy hình thể to béo, béo bụng, miệng dính, rêu lưỡi dầy là các biểu hiện chủ yếu của Đàm thấp
* Đặc trưng hình thể : Thể hình Béo, béo bụng, lỏng lẻo
* Biểu hiện thường thấy : Da vùng mặt nhiều dầu, mồ hôi nhiều và dính, tức ngực nhiều đờm, miệng dính , thích ăn đồ béo ngọt, rêu lưỡi dầy, mạch hoạt.
* Đặc trưng tâm lý : Tính cách ôn hòa, chính chắn, thiên về nhẫn nại.
* Khuynh hướng phát bệnh : dễ mắc bệnh tiểu đường, tam cao, trúng phong, đau ngực ( nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực)
* Năng lực thích ứng ngoại cảnh : mùa mưa và ẩm thấp nặng nề khó chịu.
* Giải pháp dưỡng sinh chính: Loại bỏ đờm và ẩm, phòng tránh các bệnh như đột quỵ, đau tức ngực, chăm sóc chú trọng tỳ, thận, tâm, phế.
Ăn uống thanh đạm, hạn chế ăn các loại thịt mỡ và các loại thực phẩm ngọt, dính, nhiều dầu mỡ béo ngậy. Có thể ăn nhiều các loại thực phẩm như rong biển, bí đao…
Sinh hoạt hằng ngày nên tránh để ẩm ướt, môi trường sống nên khô ráo, nên tham gia nhiều các hoạt động thể dục ngoài trời. Quần áo nên chọn loại thoáng khí thoát mồ hôi, thường xuyên tắm nắng.
Trong điều kiện khí hậu lạnh ẩm ướt, nên hạn chế tập thể dục ngoài trời, tránh bị nhiễm lạnh và mưa. Cơ thể béo mập, dễ buồn ngủ, nên dựa vào tình trạng của bản thân để có các bài tập thể dục thích hợp, cần kiên trì tập luyện lâu dài.
6. Thể chất Thấp nhiệt (thiếu năng lượng).
* Đặc trưng tổng thể : Thấp nhiệt nội uẩn, lấy mặt ánh mỡ, cáu bẩn, miệng đắng, rêu lưỡi vàng là biểu hiện đặc trưng chủ yếu.
* Đặc trưng hình thể : Hình thể trung bình hoặc hơi gầy
* Biểu hiện thường thấy : mặt nhiều dầu, dễ sinh mụn nhọt, miệng đắng miệng khô, mình nặng mệt mỏi, đại tiện dính nhớt không thoải mái hoặc táo kết, tiểu tiện ngắn vàng, cơ thể nặng nề, ngực bụng chướng đầy, dễ bứt rứt, nữ thì khí hư nhiều, chất lưỡi thiên về hồng, rêu vàng , mạch hoạt.
* Đặc trưng tâm lý : dễ phiền muộn và nóng nảy
* Khuynh hướng phát bệnh : Dễ mắc mụn nhọt, vàng da, nhiệt, táo, nước tiểu vàng đục, nhị âm nóng rát
* Năng lực thích ứng ngoại cảnh : Cuối hạ đầu thu khí hậu thấp nhiệt, hoàn cảnh khí hậu tăng cao tương đối khó chịu.
* Giải pháp dưỡng sinh: Chú ý các biện pháp thanh nhiệt lợi tiểu. Chú trọng chăm sóc tỳ, phế, thận, can
Nên kiêng các loại thực phẩm mỡ béo ngậy. Ăn uống thanh đạm, có thể ăn nhiều các loại thực phẩm ngọt mát, như đậu đỏ, cần tây, dưa chuột, ngó sen. Hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính nóng, nhiều dầu mỡ ngậy như thịt dê, tỏi tây, ớt, gừng tươi, hạt tiêu, tần bì và các món lẩu, món chiên, món nướng. Chú trọng chăm sóc tỳ, phế, thận
Trong sinh hoạt hằng ngày tránh ở môi trường nóng ẩm. Nên lựa chọn môi trường sống khô ráo, thông thoáng gió. Không nên thức đêm, làm việc lao lực. Mùa hè là mùa nóng ẩm, nên hạn chế hoạt động ngoài trời. Tăng cường tập luyện, tập luyện với cường độ và thời gian lâu.
7. Thể chất Huyết ứ (máu ứ, nổi nám mụn).
* Đặc trưng tổng thể : Huyết hành không thông thuận, lấy sắc da tối sạm, chất lưỡi đỏ sạm là biểu hiện đặc trưng chủ yếu của thể chất huyết ứ
* Đặc trưng hình thể : Béo gầy đều thấy
* Biểu hiện thường thấy : Sắc da đen tối, sắc trầm, dễ xuất hiện nám ứ, miệng môi, chất lưỡi ám hoặc có điểm ứ, các tĩnh mạch dưới lưỡi tím hoặc lồi to.
* Đặc trưng tâm lý : dễ phiền, hay quên
* Khuynh hướng phát bệnh : dễ mắc chứng trưng hà(nổi cục), u cục.
* Năng lực thích ứng ngoại cảnh : không chịu được lạnh
* Giải pháp dưỡng sinh: Cần hành khí hoạt huyết, phòng tránh xuất hiện khối u, đột quỵ, tức ngực, chú trọng chăm sóc phế, tỳ, tâm, can
Ăn các loại thực phẩm hành khí hoạt huyết, loại bỏ ứ trệ, thông khí, giúp giảm sự trì trệ khí huyết ở gan ví dụ như táo gai, giấm, trà hoa hồng, quất…, hạn chế ăn các loại thực phẩm béo như các loại dầu mỡ, thịt mỡ.
Trong sinh hoạt hằng ngày, không nên ngồi nhiều nhàn nhã, lười vận động để tránh tình trạng khí cơ bị trì trệ, làm cho huyết mạch không thông. Nên ngủ đủ giấc, có thể ngủ sớm dậy sớm, tăng cường luyện tập thể dục, xoa bóp mát xa cơ thể.
8. Thể chất Khí Uất Kết (hay u uất).
* Đặc trưng tổng thể : Khí cơ uất trệ, thần trí uất ứ, lo âu, yếu ớt là biểu hiện đặc trung chủ yếu của thể chất Khí uất.
* Đặc trưng hình thể : thể hình gầy là nhiều
* Biểu hiện thường thấy : Thần trí uất ức, tình cảm yếu ớt, tâm phiền không vui, hay vô cớ thở dài, dễ đau tức đầu nhũ hoa và 2 bên sườn, tức ngực, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.
* Đặc trưng tâm lý : tính cách hướng nội không ổn định, nhạy cảm đa nghi.
* Khuynh hướng phát bệnh : dễ mắc bệnh trầm cảm, mai hạch khí, hoang tưởng và trầm uất.
* Năng lực thích ứng ngoại cảnh : phản ứng thần kinh khi kích thích tương đối kém, không thích trời âm u.
* Giải pháp dưỡng sinh: Tránh để nảy sinh các loại bệnh như trầm cảm, rối loạn thần kinh, tinh thần, tình cảm...
Ăn các loại thực phẩm giúp thư giãn và lưu thông khí huyết, giảm buồn phiền lo lắng, thức ăn dễ tiêu hóa, hỗ trợ thần kinh như cây rong biển, sơn trà, trà hoa hồng…Chú trọng chăm sóc tỳ, phế, tâm, can
Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày không nên quá tĩnh tại, không ở nhà nhiều, tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời, giao lưu bạn bè. Tránh uống các loại nước có tác dụng kích thích thần kinh trước khi ngủ như trà, cà phê, nước ngọt, bia rượu.
9. Thể chất cơ địa (dị ứng, bẩm sinh).
* Đặc trưng tổng thể : Dị tật bẩm sinh, giảm chức năng sinh lý , phản ứng quá mẫn cảm là đặc trưng chủ yếu.
* Biểu hiện thường thấy : Thể chất cơ địa dị ứng thường thấy hen phế quản, phong bế, hầu dưỡng, tắc mũi hắt hơi; bệnh có tính di truyền : di truyền trực hệ, bẩm sinh, tính gia tộc, đặc trưng bệnh có liên quan ảnh hưởng sinh trưởng và phát dục từ thời kỳ mang thai của người mẹ.
* Đặc trưng tâm lý : Tùy theo bẩm sinh thể chất có sự khác nhau.
* Khuynh hướng phát bệnh : Cơ địa dị ứng dễ mắc hen phế quản, mề đay, dị ứng phấn hoa, dị ứng thuốc, bệnh di truyền, hội chứng down, mắc bệnh di truyền thai như : Ngũ trì ( sức phát triển chậm, chậm đi, chậm mọc tóc, chậm mọc răng, chậm nói), ngũ nhuyễn ( bại não, liệt, chậm phát triển trí tuệ, còi xương) ( cổ mềm, xương sọ mềm, chân tay mềm, cơ nhục mềm, nhai kém).
* Năng lực thích ứng ngoại cảnh : năng lực thích ứng kém, như người cơ địa dị ứng phản ứng kém theo mùa dẫn đến dị ứng, dễ phát bệnh cũ.
* Giải pháp dưỡng sinh: Tránh để mắc các bệnh như hen suyễn, các bệnh về da, dị ứng, mẫn cảm. Chú trọng dưỡng cho tất cả tạng phủ
Ăn các loại thực phẩm bổ sung và tăng cường khí, thanh đạm, và các loại thực phẩm bổ khí, hạn chế ăn kiều mạch vì nó chứa chất gây dị ứng fluorescein, và các loại thực phẩm mang tính kích thích, cay nóng.
Ăn vừa phải các thực phẩm có chất gây dị ứng như đậu tằm, đậu lăng trắng, thịt bò, thịt ngỗng, cá chép, tôm, cua, cà tím, rượu, hạt tiêu, chè cafe.